CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN DO RƯỢU
I/ KHÁI NIỆM
Lạm
dụng rượu lâu ngày thường đưa đến chứng nghiện rượu, khi đó rượu trở thành tác
nhân gây hại cho con người và để lại những hậu quả cho cá nhân và xã hội.
– Về mặt cơ thể rượu gây ra các bệnh tim mạch,
viêm loét dạ dày, viêm các dây thần kinh…
– Về mặt tâm thần rượu gây ra tình trạng phụ
thuộc rượu, biến đổi nhân cách do rượu, loạn thần do rượu, mất trí do rượu…
Trong
những năm gần đây ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp loạn thần do rượu phải
vào điều trị tại các cơ sở bệnh viện tâm thần. Bệnh lý do rượu đã chiếm một tỷ
lệ đáng kể. Hiện nay tỷ lệ lạm dụng rượu vào khoảng 30% dân số, tỷ lệ nghiện
rượu khoảng 3,5%.
II/ RƯỢU ĐỐI VỚI CƠ THỂ
1. Sự hấp thu và bài tiết rượu
Mức
độ hấp thụ của rượu tùy thuộc vào loại rượu, lượng uống rượu nhiều hay ít,
lượng thức ăn đi kèm khi uống, thể trạng của người uống, tâm trạng khi uống…
Rượu
được hấp thu nhanh khoảng 20% số lượng rượu được vào cơ thể ngay qua dạ dày, số
còn lại được hấp thu qua ruột. Cơ thể thường có phản ứng tự bảo vệ khi nồng độ
rượu đưa vào quá cao, niêm mạc của dạ dày sẽ bị kích thích tiết ra chất nhày
làm giảm bớt sự hấp thu, cùng lúc đó môn vị co thắt ngăn rượu không xuống ruột,
làm cho người uống buồn nôn và nôn rượu ra ngoài. Thức ăn chất đạm và chất béo
làm chậm sự hấp thu của rượu, trái lại nước uống sẽ làm tăng sự hấp thu của
rượu, vào máu rượu được phân phối khắp cơ thể. Nhiễm độc rượu là khi nào nồng
độ rượu trong máu trên 0,15% thể tích
Khoảng 10% số lượng rượu đào thải ra ngoài bằng
đường hô hấp, phần lớn được khử ở gan và đào thải qua nước tiểu.
2. Rượu đối với não
Rượu
không phải là một chất kích thích mà là một chất làm suy giảm cả hai quá trình
hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh trung ương. Nhưng rượu làm mất ức chế mạnh
hơn gây nên quá trình hưng phấn giả và vì vậy người uống rượu cảm thấy hưng
phấn, đỡ lo âu, sợ hãi, hoạt động nhiều, nói nhiều, khả năng tự kiềm chế bản
thân suy giảm nên lời nói thiếu tế nhị, xuồng xã, xàm xỡ, cử chỉ hoạt động
thiếu chính xác.
Khi
nồng độ rượu trong máu là 0,3% thì vận động và tư duy, tri giác đều bị rối
loạn. Khi nồng độ rượu lên tới 0,4% – 0,5% thì cả hai quá trình hưng phấn và ức
chế đều bị suy giảm, người uống rượu bị bất tỉnh, hôn mê và khi nồng độ rượu
lên đến 0,6% – 0,7% thì người uống rượu có thể tử vong.
3. Rượu ảnh hưởng đến các cơ
quan khác
– Tác dụng lên tuyến yên, gây nên rối loạn sự
tăng trưởng, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn chuyển hóa nước và muối khoáng.
– Gây viêm dạ dày, viêm tụy cấp, mãn tính.
– Tác hại đối với gan, gây xơ gan, thoái hóa mỡ
gan.
– Các bệnh mạch máu,tim mạch, tăng lắng đọng
choleterol ở mạch máu và ở tim gây xơ mỡ động mạch.
III. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG
1. Say rượu thông thường
Say rượu thông
thường hay say rượu đơn thuần là trạng thái nhiễm độc rượu cấp tính. Trạng thái
này tiến triển thành ba giai đoạn, tuỳ theo độ rượu trong máu.
– Giai đoạn hưng
phấn tâm thần – vận động (độ cồn trong máu = 1-2g/l)
Đặc trưng về lâm
sàng là giảm ức chế, nói ba hoa, khí sắc không ổn định (khoái cảm không đúng
lúc, đúng chỗ, buồn, dễ bị kích thích).
Biến đổi về thời
gian phản ứng, về phán đoán và trí nhớ.
– Giai đoạn giảm
phối hợp động tác (độ cồn trong máu >2g/l)
Đặc trưng bằng chứng
lú lẫn tâm thần và hội chứng tiểu não (mất phối hợp vận động: dáng di lảo đảo,
giọng nói lè nhè).
– Giai đoạn hôn mê
(độ cồn trong máu >3g/l)
Hôn mê sâu, giãn
đồng tử, mất phản ứng, hạ thân nhiệt, giảm huyết áp (nguy cơ trụy tim mạch).
2. Say rượu bệnh lý
Thể này rất ít gặp. Trong trạng thái say, có các biểu hiện:
+ hưng phấn – vận động: cơn giận dữ kịch
phát không lý do hay vì một duyên cớ không đáng kể.
+ ảo giác (ảo thính,
ảo thị): phân biệt với sảng rượu cấp.
+ hoang tưởng (ghen
tuông, bị hại, tự buộc tội): nguy cơ xuất hiện cơn xung động đập phá, xâm hại
bản thân hay xâm hại người khác.
+ cơn co giật liên
quan với việc dùng rượu.
Đặc điểm khởi phát và tiến triển:
+ bắt đầu và kết thúc đột ngột (sau nhiều
giờ tiến triển) bằng một giấc ngủ sâu; biểu hiện quên sau cơn; xuất hiện sau
khi uống một lượng rượu lớn, nhưng cả khi chỉ uống một lượng rượu nhỏ;
+ nhân tố thuận lợi:
có một bệnh tâm thần hay một bệnh não thực tổn; nhiều nguy cơ có hành vi nguy
hiểm.
3. Nghiện rượu mạn tính
Chứng NR là trạng thái nhiễm độc rượu mạn
tính do dùng rượu thường xuyên và nhiều năm. Tuy nhiên không phải mọi trường
hợp uống rượu thường xuyên đều xem là NR mạn tính.
Các triệu chứng đặc trưng là: hội chứng
nghiện; hội chứng cai rượu; sự thay đổi mức dung nạp rượu; RLTT; biến đổi nhân
cách và rối loạn toàn thân. Thời kỳ đầu, người NR chỉ dùng rượu từng lúc; sau
đó thường thấy cơn cồn cào khó ở cả về buổi sáng nên phải uống rượu để làm hết
cảm giác này; rồi xuất hiện tình trạng say liên miên, quên hết mọi sự. Thời kỳ
này lượng rượu dùng rất lớn. Về sau, trong khi NR phát triển vì các rối loạn
toàn thân nặng, buộc người nghiện phải giảm hoặc ngừng hẳn uống rượu. Cứ như
vậy lúc tăng lúc giảm, lúc buộc phải ngừng rồi lại uống lại… cuối cùng người
bệnh ngày càng suy nhược phải nằm tại giường.
Hội
chứng nghiện: Chẩn đoán
xác định nghiện rượu khi có từ ba trở
lên các đặc điểm sau:
1) Thèm muốn mạnh mẽ hoặc cảm thấy
buộc phải sử dụng rượu.
2) Khó khăn trong việc kiểm tra tập
tính sử dụng rượu về mặt thời gian bắt đầu, kết thúc hoặc mức sử dụng rượu.
3) Một trạng thái cai sinh lý (xem
phần hội chứng cai) khi việc sử dụng rượu bị ngừng lại hay bị giảm bớt.
4) Có hiện tượng tăng dung nạp rượu
(Người nghiện rượu có thể dùng hàng ngày những lượng rượu lớn đủ để làm say
hoặc gây ngộ độc nguy hiểm cho những người không nghiện rượu).
5) Dần dần sao nhãng các thú vui trước
đây để đi tìm và sử dụng rượu, dành thời gian ngày càng nhiều hơn để tìm kiếm
hay sử dụng rượu.
6) Tiếp tục sử dụng rượu mặc dù đã có hậu quả có hại đối với gan
và nhiều cơ quan khác do uống rượu. Có các trạng thái khí sắc trầm tiếp theo
sau những thời kỳ sử dụng rượu nặng, hoặc suy giảm nhận thức do tác hại của
rượu.
4. Xung động uống rượu (dipsomania)
Xung động uống rượu là những cơn uống
rượu xuất hiện theo chu kỳ, đây là rối loạn hiếm gặp. Biểu hiện:
Xung động uống rượu xuất hiện thành cơn
kịch phát, kéo dài vài giờ, vài ngày đến vài tuần, khởi phát và kết thúc đột
ngột.
Trong cơn có biểu hiện tăng mức dung nạp
rượu. Ngoài cơn thì chán ghét rượu.
Không có hiện tượng suy thoái nhân cách
do rượu dù giai đoạn bệnh tiến triển đã lâu.
Phân biệt với xung động uống rượu giả: cơn
uống nhiều rượu ở người NR mạn tính.
5. Trạng thái cai rượu
(F10.3)
– Phải có bằng chứng rõ ràng về việc mới ngừng hoặc
giảm sử dụng rượu sau khi đã sử dụng rượu lặp đi lặp lại trong một thời gian
dài.
– Các triệu chứng và dấu hiệu tương ứng với các đặc
điểm của trạng thái cai.
– Các triệu chứng và dấu hiệu không thể quy kết cho
một bệnh nội khoa không liên quan đến việc sử dụng rượu, và không thể quy cho
một rối loạn tâm thần hoặc một rối loạn hành vi khác.
Hội chứng cai rượu kéo dài từ vài giờ
đến 3 – 4 tuần tùy mức độ nghiện rượu nặng hay nhẹ.
Chẩn
đoán: Trạng thái cai rượu không có biến chứng
(F10.30); trạng thái cai rượu với co giật (F10.31) nếu có co giật.
6. Trạng thái cai rượu với
mê sảng (Sảng rượu cấp)
Sảng rượu là một rối loạn loạn thần cấp
tính xuất hiện ở những bệnh nhân NR mạn tính trên 10 năm (giai đoạn 2) sau khi
uống một lượng rượu lớn hoặc ngừng uống rượu đột ngột 1 dến 3 ngày (cai rượu).
Sảng rượu là một cấp cứu tâm thần, nếu không được điều trị tỉ lệ tử vong là
20%. Các nhân tố thuận lợi là viêm phổi, suy thận, suy gan, suy tim, bệnh tiêu
hoá….
Khoảng 1/3 số trường hợp có hội chứng cai
rượu sẽ tiến triển sảng rượu. Các triệu chứng của sảng rượu rất đa dạng:
× Tiền triệu (2 – 4 ngày): run, chán ăn,
khát nước, lo sợ.
× Mất ngủ hoàn toàn với biểu hiện mộng
thức và kích động.
× Hội chứng paranoid rất rầm rộ với HT bị
hại và ảo thị (nhìn thấy các động vật nhỏ như chim, chuột, dơi, kiến, hiếm hơn
có các ảo thị ghê rợn gây lo lắng, sợ hãi); có thể có ảo thanh thật có nội dung
đe doạ, lăng nhục; ảo giác xúc giác với cảm giác có sâu bọ, côn trùng bò trên
da thịt của mình.
× Rối loạn ý thức thường tăng về ban đêm
hoặc về sáng sớm với mức độ khác nhau (về định hướng không gian, thời gian) có
thể đến mức ý thức u ám và hôn mê.
Ngoài ra có thể gặp
các rối loạn thần kinh thực vật (run, giảm trương lực cơ, xung huyết da, tăng
tiết mồ hôi, tim đập nhanh, huyết áp dao động) và cơn co giật kiểu động kinh
cũng như hành vi tự sát. Các bệnh cơ thể cũng biểu hiện rõ rệt như nhiễm khuẩn
huyết, viêm phổi, viêm tuỵ, viêm túi mật.
Chẩn
đoán: Trạng thái cai rượu với mê sảng không có
co giật (F10.40); trạng thái cai rượu với mê sảng có co giật (F10.41).
7. Rối loạn loạn thần do
rượu (F10.5)
–
Khởi phát của các triệu chứng loạn thần phải xảy ra trong khi hoặc trong vòng
hai tuần có sử dụng rượu.
–
Các triệu chúng loạn thần phải tồn tại hơn 48 tiếng.
–
Sự kéo dài của rối loạn này không vượt quá 6 tháng.
Chẩn
đoán có thể biệt định kỹ hơn, cụ thể:
+
Rối loạn loạn thần do rượu giống phân liệt (F10.50)
+
Rối loạn loạn thần do rượu với hoang tưởng chiếm ưu thế (F10.51)
+
Rối loạn loạn thần do rượu với ảo giác chiếm ưu thế (F10.52)
+
Rối loạn loạn thần do rượu chủ yếu đa dạng (F10.53)
+
Rối loạn loạn thần do rượu với các triệu chứng trầm cảm chiếm ưu thế (F10.54)
+
Rối loạn loạn thần do rượu với các triệu chứng hưng cảm chiếm ưu thế (F10.55)
+
Rối loạn loạn thần do rượu trạng thái
hỗn hợp (F10.54)
7.1. Rối loạn loạn thần do
rượu với ảo giác chiếm ưu thế (F10.52) (Trạng thái AG do rượu)
Trạng thái AG do rượu có các đặc điểm
sau:
Ảo thanh chiếm ưu thế (tiếng nói đe doạ,
lăng nhục);
Ảo thanh chi phối hành vi, bệnh nhân mất
khả năng phê phán AG. AG dẫn đến các hành vi có tính chất nguy hiểm cho bản
thân và người xung quanh (đập phá, đốt nhà, giết người, tự sát);
Không có rối loạn ý thức;
Tiến triển cấp tính (vài ngày đến 1
tháng), bán cấp (1-3 tháng) hay mạn tính (trên 3 tháng);
Đôi khi có HT bị truy hại, HT liên hệ
nhất thời.
7.2. Rối loạn loạn thần do
rượu với hoang tưởng chiếm ưu thế (F10.52) (Hoang tưởng do rượu)
Paranoia do rượu thường gặp là HT ghen
tuông, phát triển dần trên một nhân cách thoái hoá do rượu; Paranoid do rượu
phần nhiều là HT bị truy hại và các HT cảm thụ. HT ghen tuông và HT bị truy hại
là những triệu chứng chủ yếu. Nội dung của HT liên quan đến các sự vật có thật
xung quanh bệnh nhân như vợ, con, hang xóm, đồng nghiệp và bạn bè. Người bệnh
rất đa cảm, luôn hoảng sợ, HT thường chi phối hành vi và thường là hành vi tấn
công người khác. Các ảo thanh hoặc ảo thị thường kèm theo hoảng sợ. Các HT có
thể tiến triển cấp tính (3-4 tuần), bán cấp tính (2-3 tháng) hoặc mạn tính
(trên 3 tháng đến hàng năm).
8. Bệnh loạn thần Korsakov
– Hội chứng quên
Đây là một bệnh não thực tổn xuất hiện
vào giai đoạn cuối của bệnh NR. Biểu hiện chủ yếu là:
Hội chứng mất nhớ
nặng (không tiếp nhận được các thông tin mới, nhớ bịa);
Viêm nhiều dây thần
kinh do thiếu các vitamin nhóm B.
9. Giả liệt tuần tiến do
rượu
Đây cũng là một bệnh não thực tổn mạn
tính do rượu, rất nặng nhưng hiếm gặp. Bệnh cảnh lâm sàng giống như bệnh liệt
toàn thể tiến triển do giang mai. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vitamin nhóm
B trầm trọng. Biểu hiện giảm chú ý, giảm trí nhớ, HT khuếch đại, tổn thương
thần kinh khu trú (yếu đầu chi, khó nói, rối loạn phản xạ). Các rối loạn này
tiến triển ngày càng nặng cả khi trạng thái nhiễm độc rượu đã qua, điều trị
không có kết quả.
10. Giả viêm não Gayet –
Wernicke
Bệnh não thực tổn do
rượu Gayet – Wernicke là một bệnh mạn tính, hiếm gặp, biểu hiện bằng trạng thái
lú lẫn, hưng phấn ngôn ngữ, vận động, cơn co giật kiểu động kinh, rối loạn trí
nhớ kiểu Korsakov và các tổn thương khu trú thần kinh (mất phối hợp vận động,
triệu chứng ngoại tháp, rối loạn vận nhãn).
IV. ĐIỀU TRỊ
1. Điều trị trạng thái cai rượu
–
Cắt
rượu hoàn toàn.
–
Sử
dụng Benzodiazepine đường tiêm hoặc đường uống: Seduxen x 10 – 20 mg/ngày tiêm
bắp hoặc tĩnh mạch, hoặc uống. Có thể
dùng alprazolam (Xanax), và lorazepam (ATIVAN).
–
Bù
nước – điện giải cho bệnh nhân đầy đủ, kịp thời: Ringer lactat, NaCl 0,9%,
Glucose 5% truyền tĩnh mạch (2-4
lít/ngày), uống Orezol.
–
Vitamin
nhóm B liều cao: vitamin B1 x 500-1000mg/ ngày, vitamin B6 x 200-400mg/ngày,
vitamin B12 1000-2000 µcg/ngày.
–
Thuốc
hỗ trợ: Chẹn
Beta chẳng hạn như propranolol (Inderal) và atenolol (TERNOMIN), đôi khi được
sử dụng kết hợp với benzodiazepines. Nó làm chạm
nhịp tim và giảm run, cũng có thể làm giảm cơn thèm rượu. Có thể dùng Clonidin
làm giảm trạng thái cai.
–
Sử
dụng thuốc kháng động kinh nếu có co giật: Carbamazepin, Depakin, Phenobarbital,…
–
Nếu
trạng thái cai rượu với mê sảng, hoang tưởng ảo giác rầm rộ: dùng Haloperidol
5mg x 1-2 ống/lần x 1-2 lần.
–
Điều
trị các bệnh cơ thể kết hợp.
–
Đảm
bảo thông khí, đề phòng trụy tim mạch.
–
Đảm
bảo đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân.
–
Điều
trị chống tái nghiện: Disulfiram (Esperal), Naltrexon, Acamprosate, điều trị
tâm lý xã hội.
2. Điều trị rối loạn tâm
thần và hành vi do sử dụng rượu
–
Thuốc an thần kinh:
Haloperidol 5 – 20 mg/ngày
Risperidon 2 – 6 mg/ngày
Olanzapin 10 – 20 mg/ngày
Solian 200 – 600mg/ngày
Quetiapine 100 – 600 mg/ngày
–
Thuốc giải lo âu, gây ngủ: Benzodiazepine,…
–
Thuốc chống trầm cảm (nếu có):
Fluoxetin 20 – 40 mg/ngày
Paroxetin 20 mg/ngày
Sertralin 50 – 150mg/ngày
Venlafaxin 75 – 150 mg/ngày
–
Thuốc chỉnh khí sắc: Depakin, Carbamazepin,…
–
Thuốc hỗ trợ: Vitamine nhóm B, Piracetam, …..
3. Điều trị chống tái nghiện:
Để giúp người nghiện cai
được rượu, trong y học có dùng một số thuốc.
– Naltrexon (các biệt dược: danapha, nalorex, trexan…).
Bản
chất naltrexon là thuốc đối kháng với morphin. Người ta thường dùng thuốc này
để hỗ trợ cai nghiện ma túy. Để cai nghiện rượu, một số nước có dùng natrexon
cho người nghiện rượu uống hàng ngày. Thuốc được cho là có tác dụng sửa chữa
rối loạn hệ thần kinh như làm tăng hoạt động của chất sinh học dẫn truyền thần
kinh là GABA, làm giảm sự thèm rượu của người nghiện. Tuy nhiên, hiệu quả không
cao vì người nghiện rất khó tuân thủ điều trị dài ngày. Viên: 50 mg, liều dùng:
50 mg/ngày, uống hàng ngày hoặc 100 mg uống cách nhật.
– Disulfiram (các biệt dược: esperal, abstinyl, antabuse,
anticol, refusal…).
Đây
là loại thuốc theo kiểu “lấy độc trị độc” (có bán trên thị trường) dùng để cai
rượu nhưng tiềm ẩn nhiều mạo hiểm, nếu không có sự điều trị và theo dõi của
thầy thuốc, thì không được tự ý sử dụng. Cơ chế tác dụng của thuốc như sau: khi
uống rượu vào cơ thể, nó được chuyển hóa qua nhiều giai đoạn, trong đó có
chuyển thành chất acetaldehyd rồi sau đó chuyển thành carbonic (CO2) và nước
(H2O) để được loại ra khỏi cơ thể. Vì acetaldehyd rất độc sẽ làm cho người đã
uống disulfiram mà lại uống rượu sẽ bị ngộ độc như: tim đập nhanh, buồn nôn,
nôn mửa, mặt đỏ bừng, vã mồ hôi, nhức đầu chóng mặt, hạ huyết áp… Chính những
tác động rất khó chịu này khiến cho người nghiện rượu thấy ghê sợ rượu mà không
muốn uống nữa. Nếu dùng disulfiram đúng liều, đúng cách, có sự chỉ dẫn và theo
dõi của bác sĩ điều trị thì thuốc chỉ gây độc ở mức khó chịu có giới hạn làm
cho người nghiện chán rượu. Nhưng nếu tự ý dùng không đúng thì nó có thể gây ra
tai biến trầm trọng, nguy hiểm tới tính mạng. Bởi vậy muốn cai rượu, người
nghiện cần phải khám sức khỏe, nếu có một số bệnh tim mạch, xơ gan, suy thận,
suy tuyến giáp, động kinh, đái tháo đường, phụ nữ có thai… thì không dùng được
disulfiram.
Để
trị được chứng nghiện rượu, thuốc phải dùng lâu dài để đạt tới phản xạ có điều
kiện nhìn thấy rượu là sợ, nhưng điều tiên quyết là người nghiện rượu phải có ý
chí, quyết tâm cai rượu, tránh tái nghiện. Đặc biệt người trong gia đình (vợ
chồng, cha mẹ, anh em…) không nên mua disulfiram trộn vào rượu, người nghiện
không biết uống vào, thì các triệu chứng ngộ độc sẽ diễn ra ở mức rất nặng phải
đi cấp cứu như nhiều trường hợp đã từng xảy ra trong những năm vừa qua.
– Ngoài ra, còn có metronidazol (thuốc điều trị ký sinh
trùng đơn bào và các vi khuẩn kỵ khí) với các biệt dược như klion, medazol,
nidazol… cũng có thể dùng vào cai nghiện rượu. Metronidazol cũng có tác dụng ức
chế chuyển hóa rượu gây ra các sản phẩm chuyển hóa dở dang giống disulfiram,
làm cho người nghiện sợ uống rượu.
– Acamprosal (các biệt dược: aotal,
zulex, dẫn xuất muối Ca: campral).
Đây
là thuốc mới dùng để cai rượu. Cơ chế làm giảm sự uống rượu hiện nay vẫn chưa
được giải thích một cách rõ ràng, nhưng thuốc được thừa nhận làm giảm sự thèm
muốn uống rượu, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của bác sĩ. Mấy năm trước đây, Cơ
quan quản lý thuốc và thực phẩm FDA (Mỹ) đã chính thức cho phép lưu hành thuốc
acamprosal vào việc chữa nghiện rượu. Khác với disulfiram, acamprosal không gây
độc khi đang uống thuốc mà vẫn uống rượu. Thuốc không bị chuyển hóa ở gan vì
vậy không cần giảm liều đối với người bệnh suy gan. Tuy vậy, thuốc cũng có một
số tác dụng phụ như: nhức đầu, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy, mất ngủ, mẩn ngứa…
– Amitryptilin (các biệt dược: elavil, lavate, meravil…) là loại
thuốc chống trầm cảm, an dịu mạnh. Người nghiện rượu dùng thuốc này sẽ không bị
hội chứng cai, không bị trầm cảm, ăn ngủ tốt, hạn chế tìm đến rượu. Nhưng điều
căn bản là người nghiện phải có quyết tâm từ bỏ rượu và dùng thuốc để hỗ trợ
cai nghiện. Viên 25 mg, liều lượng: 25 –
100 mg tùy theo đáp ứng của từng người bệnh.
Người
nghiện rượu rất dễ tái nghiện, nếu không dùng thuốc thì trong một thời gian
ngắn đâu sẽ vào đấy, cần phải điều trị phòng tái phát lâu dài và đòi hỏi người
nghiện phải có ý chí, quyết tâm cao từ bỏ rượu. Tất cả các thuốc điều trị
nghiện rượu đều có tác dụng phụ với mức độ khác nhau, thậm chí nặng nề, chứ
không có thuốc nào hoàn toàn vô hại. Bởi vậy, tốt nhất phải được bác sĩ khám để
có các chỉ định dùng thuốc cai rượu một cách thích hợp. Và nếu được dùng thì
phải theo đúng chỉ dẫn.